Thứ Năm, 22 tháng 1, 2009

Huyền thoại Đương Quy

Theo Trung dược, Đương Qui ngày xưa được coi là vị thuốc chính của phụ khoa hay sản khoa, chuyên trị bần huyết, đau bụng, kinh nguyệt không đều. Và cho đến bây giờ vẫn còn dùng để chuyên trị các chứng ấy. Một số lớn phụ nữ sau 40 tuổi thích dùng Đương Qui điều chỉnh huyết mạch để được thoải mái trong những ngày có kinh.
Dưới triều nhà Minh (1868) Trung Hoa có rất nhiều lối giải thích cho tên của vị thuốc này. Ngày xưa đàn ông cuới vợ mục đích chính là để sinh con nối dỏi tông đường, nên việc điều chỉnh khí huyết cho phụ nữ vẫn là một môn quan trọng hàng đầu trong y giới vì thế ý nghĩa đầu tiên của chữ Đương Qui là “ Tưởng phu” nôm na là nhớ chồng.
Trung y thường hay dùng chữ “huyết khí”. Nếu khí thể lưu chuyển trong huyết dịch không lưu thông tuần hoàn đều đặn được, thì dễ sinh ra một chứng gọi là “bệnh khí” mà danh từ Trung y đã có từ nghìn xưa. Đương Qui được coi là vị thuốc điều chỉnh cả khí lẫn huyết.
Người bệnh sau khi dùng Đương Qui, khí huyết trở về đường vận chuyển cố định của mình, tên Đương Quy còn có nghĩa là “Trở về” cũng do đó mà ra.
Nhưng dưới triều Minh, một huyền thoại về nguồn gốc tên của vị thuốc Đương Qui đã được phổ biến rộng rãi. Truyện kể rằng ngày xưa cạnh sông Bạch Long Giang, thuộc tỉnh Cam Túc, có một làng rất trù phú. Cạnh làng là núi Đại Sơn hùng vĩ thâm nghiêm vì bị rừng rậm bao quanh.
Khu rừng núi này là một kho tàng dược thảo hiếm quí, nhưng cũng rất nguy hiểm vì trong rừng đầy những thú dữ và rắn độc, làm quanh năm không ai dám vào rừng săn bắn hay hái thuốc.
Một hôm trai làng họp nhau giải trí, bàn tán thiên hạ sự. Câu chuyện từ văn chương, thơ phú, đến võ nghệ, đến tướng số, phụ nữ..... dần dần xoay ra bàn về sự can đảm của đàn ông.
Đấy là đám thanh niên ưu tú nhất làng, xưa nay ai cũng cho mình can đảm anh hùng. Nếu lỡ bị chê nhu nhược thì đó là một điều đại sỉ nhục.
Cãi nhau suốt nửa ngày, ai cũng khoe những thành tích dũng cảm của mình, không anh nào chịu thua, chịu nhường anh nào. Khi họ sắp đánh nhau để giải quyết thì có người đề nghị tìm cách thử can đảm cả bọn mới yên.
Cách thử là ai dám vào tận trung tâm núi Đại Sơn rồi trở về, thì sẽ được công nhận là người dũng cảm nhất.
Cả một đám thanh niên cường tráng trước đấy mấy phút, nhiệt khí bừng bừng, múa tay đập chân, ai cũng xưng mình là người hùng, bây giờ bỗng thành hiền từ, nhường nhịn khiêm tốn ra mặt.
Trong yên lặng đầy khách khí ấy bỗng nghe có tiếng nói:
- Được rồi! Tôi bằng lòng đi.
Tất cả đều quay nhìn Vương Dũng, con người nho nhã, rất ít nói mới cưới vợ là cô Hồng đẹp nhất làng.
Khi mọi người thấy Vương Dũng, chàng thanh niên xưa nay tính tình rất hiền hậu nhã nhặn xin đi thì đều cố sức ngăn cản:
- Ai đi cũng được, Vương Dũng không nên đi.
- Vương Dũng mới cưới vợ, bộ anh điên à !
Các bạn đều cho là Vương Dũng nói đùa, có ai điên hay ngu mới dám vào núi Đại Sơn.
Có tiếng người nói:
- Các anh khỏi phải can, Vương Dũng chỉ nói dốc chơi mà thôi. Phải không Dũng. Anh dám bỏ vợ đẹp mới cưới ở nhà để vào rừng cho cọp ăn sao. Bỏ vợ cho ai?
Mọi người nghe thế đều cười, thôi can ngăn và xoay ra chế nhạo Vương Dũng.
Chàng thanh niên vốn yếu đuối, hiền lành ngày thường, bây giờ bị chạm tự ái nên giận dữ đứng dậy nói:
- Quân tử nhất ngôn. Các anh cứ mở to mắt mà xem!
Nói xong, Vương Dũng về nhà sửa soạn hành trang vào rừng. Mặc dầu mẹ và vợ Dũng hết sức can ngăn nhưng Dũng nghĩ rằng một lời hứa quyết liệt đã nói ra trước mặt anh em, thì không thể nào rút lui, như thế tỏ ra mình nhu nhược. Để mặc mẹ buồn vợ khóc, Vương Dũng sửa soạnlương thực, cung tên, giáo mác.
Trước khi lên đường, anh nói với mẹ và vợ:
- Xin mẹ tha tội bất hiếu cho con. Nếu 3 năm mà con không trở về thì coi như con chết rồi. Mẹ cho vợ con đi lấy chồng khác. Còn em, sau 3 năm, mẹ bảo sao, em phải nghe vậy!
Vương Dũng nói xong chạy vội đi để khỏi trông thấy cảnh mẹ và vợ khóc than buồn rầu.
Từ ngày Vương Dũng vào rừng, nhà chỉ còn hai người đàn bà. Mẹ chồng và nàng dâu, ngoài thương nhớ khóc than, còn phải làm ruộng làm rẫy để sinh sống.
Thời gian qua mau, kỳ hẹn ba năm đã đến. Hồng chờ đợi thương nhớ và làm lụng khổ sở quá nên đâm ra chán đời. Nàng sợ cuộc sống cô đơn vật lộn một mình. Tinh thần Hồng xuống thấp, khí huyết trì trệ, bất hòa, ăn ngủ không được, nên dần dần thành bệnh. Chứng bệnh khí huyết suy nhược mà Trung y gọi là “ Dị thường bế kinh”.
Mẹ Vương Dũng là một bà mẹ hiền. Từ ngày con bỏ nhà ra đi, bà với nàng dâu sống đùm bọc nhau, bây giờ ngoài thương nhớ con, làm lụng vất vả, còn phải săn sóc thuốc thang cho nàng dâu bệnh hoạn, nhưng bà vẫn gắng chịu không hề than van.
Sau ba năm chờ đợi trong tuyệt vọng, một hôm bà mẹ bảo con dâu:
- Mẹ con ta chờ đợi hơn 3 năm rồi. Nếu còn sống thì chồng con phải về từ lâu. Nay đã quá kỳ hạn, chồng con nhất định là chết rồi. Ta cho phép con đi lấy chồng khác để có nơi nương tựa, và ta cũng bớt mệt nhọc. Ta vừa làm lụng vất vả, vừa lo lắng săn sóc con nay đau mai ốm. Cái thân già này cũng đã mệt mõi lắm rồi.
Ban đầu Hồng không chịu, cũng như suốt 3 năm qua, nàng đã từ chối tất cả những mối manh xin cưới của trai làng, vì ai cũng biết đã vào rừng Đại Sơn là không có người nào trở về được nữa. Hồng chắc chắn đã thành quả phụ. Mọi người đều chấp nhận ngày ra đi của Dũng được coi như là ngày giỗ.
Riêng Hồng mặc dầu rất yêu chồng nhưng, chờ mãi không được, lại thấy mình hay đau ốm, cũng là một gánh nặng cho mẹ chồng, Hồng đành vâng lời lấy một người đứng tuổi góa vợ trong làng.
Nhưng rồi chuyện bất ngờ đã xảy ra, Hồng lấy chồng chưa được bao lâu, thì bỗng chàng trai trẻ ngày xưa từ trong rừng núi bí hiểm đột ngộthiện ra, rồi băng băng chạy về nhà. Đó là Vương Dũng, vừa chạy vừa gọi mẹ và vợ không ngớt.
Khi Dũng bước vào nhà thì mọi vật đều thay đổi làm anh ngẩn ngơ.Gian nhà sạch sẽ rộng rãi, đầy quí vật ngày xưa bây giờ tường mốc, rêu phong. Trong nhà trống trơn không đồ đạc, một cụ già ốm yếu ho hen đang ngồi ngẩn ngơ nhìn như không biết Dũng là ai. Còn người vợ trẻ đẹp mới cưới ngày xưa thì không thấy bóng dáng đâu cả.
Đầu óc Dũng quay cuồng tự hỏi:
- Đây là nhà của tôi sao? Bà già này là mẹ tôi phải không? Thế còn vợ tôi đâu?
Chỉ sau mấy năm vắng con, mẹ Vương Dũng đã như già đi cả chục tuổi. Bà kể cho Dũng nghe những chuyện xảy ra trong thời gian vắng nhà... sinh hoạt khổ sở... hết tin tưởng con còn sống... Nàng dâu bệnh hoạn phải cho cải giá...
Nghe xong, bao nhiêu chí khí anh hùng của Vương Dũng tiêu tan hết.Ngày nào hăm hở xung phong vào núi Đại Sơn chỉ vì vài lời nói khích, vì muốn được danh xưng can đảm nhất làng.
Nay vợ mình thành vợ người. Vương Dũng hết muốn làm anh hùng, ngồi ôm đầu gục mặt khóc như một đứa trẻ con.
Vương Dũng nhờ bạn bè đưa tin cho vợ biết mình đã trở về và xin gặp mặt một lần để tạ lỗi. Còn vợ Vương Dũng nghe tin gần phát điên.Nàng hối hận và tự trách mình. Hơn 3 năm thương nhớ, đã từ chối tất cả những trai làng xin cưới, để đến phút cuối cùng vâng lời mẹ ra đi, thì chồng lại trở về. Chịu không nổi ray rứt hối hận, Hồng bỏ ăn, bỏ ngủ và bệnh cũ lại tái phát.
Còn gặp nhau làm gì khi tất cả đều đã quá muộn, và không còn cách gì vớt vát được. Thời gian có bao giờ trở lại cho một người xử sự cách khác để có một cơ hội khác đâu! Còn gặp làm gì!
Bệnh tình của Hồng càng ngày càng nặng. Các thầy lang đều chạy hết.Các thầy chỉ thương cảm nhìn Hồng, lắc đầu nói:
"Bây giờ chỉ còn nhờ Trời!"
Vương Dũng nghe được tin ấy bèn lấy bao thuốc của anh đã hái đào được trong núi Đại Sơn, chọn một số rể cây thuốc, nhờ bạn đem đến trao cho người chồng mới của Hồng và chỉ bảo cách dùng.
Sau một thời gian uống thuốc của Dũng cho, Hồng dần dần khỏe mạnh, bớt bệnh rồi khỏi hẳn.
Người chồng mới của Hồng là một người đã lớn tuổi, rất thương cảm Hồng bị chồng bỏ nhà ra đi, ốm đau bệnh hoạn nên đã cưới Hồng để mong làm cho cuộc đời hai người bớt cô đơn. Nhưng anh ta cũng biết rõ mối tình nồng nàn của Vương Dũng với Hồng và sự chờ đợi kiên trinh nhẫn nại của Hồng. Cưới được nàng, anh cho mình may mắn nhất đời. Vì Hồng vừa xinh đẹp vừa hiền thục. Nhưng giờ đây anh không muốn hạnh phúc của mình xây dựng trên sự đau khổ của người khác. Và anh quyết định trả Hồng lại cho Dũng.
Câu chuyện bi thương ly hợp này được truyền tụng đi khắp nơi trong nước, ai nghe cũng cảm động và đồng ý rằng người đàn bà thương yêu chồng nồng nàn nên được tái hợp, nên “ Đương Qui”,nghĩa là nên trở về với chồng.
Vậy Đương Qui trong ngôn ngữ phổ thông là nên về. Qui gia, về nhà, qui phu, về với chồng, hay qui phụ về với vợ. Và cho đến bây giờ, huyền thoại Đương Qui vẫn còn được lưu truyền trong dân gian.
Huyền thoại chưa chắc đã có thực, nhưng tất cả đã xây dựng chung quanh xúc động chân thành của mọi thứ tình cảm, mà trong đó tình người là một thứ bất diệt với thời gian.
DƯỢC THẢO ĐƯƠNG QUI
Đương Qui là một vị thuốc rất thông dụng trong Đông Y. Ngoài chữa bệnh, vị dược thảo này cũng là một món thuốc bổ cho phụ nữ.
Đương Qui cũng gọi là Tần Qui hay Vân Qui. Tên khoa học là Angelica Sinensis, thuộc họ Hoa Tán. Cây Đương Qui mọc hoang trong rừng và cũng được trồng ở các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam.
Trồng Đương Qui gieo hạt vào mùa thu sau 3 năm mới thu hoạch được. Rễ Đương Qui được phơi khô, hay sấy lửa nhẹ, cuối cùng phơi trong bóng mát cho thực khô.
Mặc dầu Đương Qui được coi như một vị thuốc bổ của phụ nữ nhưng cũng được dùng trong nhiều đơn thuốc để chữa các bệnh khác, có tác dụng chữa đau đầu do thiếu máu, đau lưng, đau ngực, táo bón. Chủ yếu vẫn dùng để chữa bệnh kinh nguyệt không đều, có kinh đau bụng, tổn thương ứ huyết, chân tay lạnh và đau nhức.
Đương Qui có ba phần với ba tính chất khác nhau vì tỷ lệ tinh dầu khác nhau. Qui đầu là rể chính, với bộ phận có rể, có tác dụng cầm máu và có tính cách hướng đi lên trên.
Qui thân là phần giữa hay rễ phụ lớn, có tác dụng bồi dưỡng, nuôi huyết ở trung bộ.
Quy vĩ là rễ phụ nhỏ, chủ yếu thông, có tác dụng phá huyết và đi xuống, trục ứ. Trong các toa thuốc xoa bóp trật đả cũng thường có vị Qui Vĩ.
Toàn qui thì hoạt huyết.
Trong sinh hoạt hằng ngày, Đương Qui vì có nhiều sinh tố B12 nên thường được dùng làm món ăn bổ huyết.
Bài thuốc rượu Đương Qui cũng được coi là để bổ huyết, cường tráng, trấn tĩnh, điều kinh cho phụ nữ.
Muốn ngâm rượu Đương Qui, nên dùng Toàn Qui để có tác dụng huyết dịch tuần hoàn. Đương Qui xắt lát, cùng đường phèn, ngâm ruợu trắng độ 2 tháng là có thể dùng được. Phân lượng tùy theo muốn chế nhiều hay ít. Ví dụ một lít rượu cho Đương Qui vào độ 1/3, Đường Phèn tùy khẩu vị, muốn ngọt nhiều hay ít.
Khi dùng có thể lọc bỏ Đương Qui hay ăn cả xác. Rượu này rất thơm, mỗi ngày uống một ly nhỏ. Người không uống được rượu có thể pha loãng với nước hoa quả hay nước lã.
Trong các món ăn bổ, Đương Qui thường hay được chưng cách thủy với gà, để tẩm bổ sau khi sinh đẻ hay bất cứ lúc nào thấy người yếu mệt.
Món ăn với Đương Qui được ưa thích nhất là “Ích não, dưỡng khí” rất nổi tiếng ở Hàn Quốc. Món ăn bổ càng làm cầu kỳ càng tỏ ra trọng khách.
Cách làm món này là mổ bụng cá, moi hết ruột gan, nhồi Đương Qui đã xắt lát vào bụng cá, nấu cho đến khi Đương Qui mềm, cho gia vị rất nhẹ như muối, tiêu, xì dầu, tùy ý, nhưng không nên cho hương liệu khác đậm quá, sẽ át mất mùi thơm của Đương Qui và vị ngọt tự nhiên của cá.
Món này còn được chế biến cách khác giản dị hơn với mục đích “Ngự hàn, hoạt huyết”.
Vật liệu: Cá, đậu phụ, rau cải trắng cắt nhỏ, nấm hương, ngâm mềm thái chỉ. Đương Qui xắt lát, nước dùng gà. Phân lượng nhiều ít tùy theosố người ăn. Nếu không thích cá, có thể thay bằng thịt bò, thịt gà hay thịt thăn heo tùy thích.
Trước hết đổ nước dùng vào soong hay nồi, cho tất cả Đương Qui vào. Nấu to lửa vài phút, bớt lửa nhỏ nấu độ 20 phút cho Đương Qui mềm, bao nhiêu chất bổ hay tinh hoa của Đương Qui đều tiết ra, nếu khô cạn thì thêm nước dùng. Cho tất cả vật liệu vào nồi theo thứ tự lâu hay mau chín, thịt hay cá trước, đến nấm hương, đậu phụ. Sôi đủ chín thịt mới cho rau vào, nêm xì dầu hay muối vừa miệng, chờ canh sôi lại, lập tức tắt lửa múc ra tô lớn. Món này tuy vật liệu giản dị, nhưng mùi vị rất thanh tao và ngon thơm không thể tả.
Cháo Đương Qui và Hồng Hoa
Cháo ăn để điều hòa kinh nguyệt, trị chứng hư lãnh.
Vật liệu: Đương Qui 8gr, Hồng Hoa 3 gr (Hồng Hoa đây là một thứ hoa dược thảo) gạo một bát. Nuớc dùng gà 12 chén, lá rau cần thơm, hành, gừng, muối dầu mè, mỗi thứ một ít.
1) Xắt lát Đương Qui, bỏ vào nồi chung với Hồng Hoa và hai bát nước, nấu nhỏ lửa cho đến khi còn lại một nửa.
2) Lấy nước dùng gà với gạo nấu thành cháo, cháo chín rồi để lửa nhỏ, nấu nhừ đến 80%, cho Đương Qui và Hồng Hoa đã nấu sẵn vào, nấu thêm thật lâu, quấy luôn kẻo sát nồi, đừng để cháy. Sau khi cháo thật nhừ nhuyễn, cho rau cần, hành gừng, dầu mè vào, nêm muối vừa ăn.
Gà chưng Đương Qui
Vật liệu:
1) Gà cắt từng miếng nhỏ vừa ăn, rửa sạch, ướp muối, cho vào thố hay bát to.
2) Gừng xắt lát cho vào xào chín với một thìa dầu mè. Cho tất cả vào thố cùng với Đương Qui cũng đã xắt lát.
3) Cho một cốc rượu trắng, hai cốc nước lã đun sôi vào thố, chưng cách thủy độ nửa giờ, coi chừng kẻo nước khô cạn cháy nồi.Khi Đương Quy được chưng đủ lửa sẽ có mùi thơm ngát.
Ngoài chưng với thịt gà, thịt bò, thịt dê, thịt heo, ai kiêng thịt hay ăn chay, có thể dùng đậu phụ, các thứ nấm và các thứ đậu khác tùy thích để thay thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét